Hiệp hội kỹ sư ôtô (SAE) phân hạng 6 cấp độ của hệ thống tự lái,Ôtôcóthểlàmgìvớicấpđộláitựđộroll royce từ mức hoàn toàn thủ công với sự chủ động 100% của con người, cho đến mức cao nhất là khi ôtô thậm chí không có vô-lăng. SAE là một tổ chức toàn cầu có trụ sở ở Mỹ, gồm khoảng 130.000 kỹ sư ôtô chuyên nghiệp và các chuyên gia kỹ thuật liên quan tới ngành công nghiệp ôtô.
Cấp độ 0
Cấp độ cơ bản nhất đòi hỏi tài xế hoàn toàn chịu trách nhiệm với việc lái xe. Ôtô có thể trang bị tính năng điều khiển hành trình cơ bản, nhưng không phải loại thông minh, và tất cả đều dựa vào kỹ năng lái của tài xế.
Cấp độ 1
Công nghệ bước thêm một bước về tương lai AI. Ở cấp độ này, tài xế có thể sử dụng điều khiển hành trình thích ứng, và hỗ trợ giữ làn ở mức cơ bản. Những hệ thống này giúp duy trì tốc độ và giữ xe đúng làn, nhưng tài xế vẫn phải lái chính với hai tay giữ trên vô-lăng.
Cấp độ 2
Ôtô có thể tự kiểm soát vô-lăng cũng như việc tăng tốc thông qua sự kết hợp giữa tính năng hỗ trợ giữ làn và điều khiển hành trình thích ứng. Nhưng tài xế vẫn phải tập trung quan sát để có thể chủ động xử lý mọi tình huống.
Một số hệ thống, như Blue Cruise của Ford và Super Cruise của General Motors, sẽ cho phép tài xế bỏ cả 2 tay khỏi vô-lăng. Với một số người, cấp độ này thậm chí được đặt tên là Level 2+, nhưng SAE vẫn chỉ xếp đây là Level 2.
Thực tế công nghệ hỗ trợ giữ làn trên hầu hết các mẫu xe từ bình dân tới hạng sang không thể sử dụng trên quãng đường dài mà tài xế không can thiệp. Xe bình dân công nghệ này có thể chính xác khoảng 2-3 lần giật lái, xe sang nhiều hơn vài lần, nhưng sau đó xe sẽ không còn làm việc chính xác, càng ngày càng trượt xa khỏi quỹ đạo, lực giật mỗi lần cũng tăng lên. Không những thế, nhiều xe còn có công nghệ cảnh báo tài xế mất tập trung, khi phát hiện tài xế không cầm vô-lăng, xe sẽ phát tín hiệu bằng cách kêu to, buộc tài xế đặt tay trở lại vô-lăng.
Cấp độ 3
Tài xế có thể bỏ cả 2 tay khỏi vô-lăng, rời mắt khỏi đường đi trong một số tình huống mà xe có thể tự điều khiển. Tuy nhiên, tài xế vẫn phải sẵn sàng can thiệp khi cần thiết. Vì thế, việc người nào đó đang ở ghế lái lại nhảy sang ghế phụ hay thậm chí hàng ghế sau là không được phép.
Công nghệ tự lái cấp độ 3 hiện còn hiếm. Một trong số ít ví dụ là hệ thống Drive Pilot giá 2.500 USD của Mercedes đã có ở châu Âu và vừa đến Mỹ, trên các mẫu như EQS và S-class. Xe có thể tự lái ở tốc độ đến 64 km/h trên một số cung đường, thậm chí tự vượt qua xe khác trong khi tài xế đang bận họp trực tuyến hoặc xem phim.
Cấp độ 4
Xe có thể tự xử lý mọi thứ, kể từ lúc ai đó ngồi vào sau vô-lăng, thậm chí trong một số tình huống đầy thách thức như đường phố đông đúc hay thời tiết không thuận lợi, và trên nhiều cung đường khác nhau thay vì chỉ trên cao tốc. Có nghĩa tài xế gần như tự do. Tuy nhiên thực tế, xe tự lái cấp độ 4 chỉ có thể hoạt động trong một số khu vực đặc biệt hoặc dưới một số điều kiện hạn chế.
Các mẫu xe tự lái của Waymo và Cruise sử dụng công nghệ cấp độ 4 cũng chỉ được phép hoạt động ở những khu vực được quy định cụ thể, và không có xe bán ra thị trường phổ thông. Công nghệ tự lái phiên bản Beta của Tesla không được xếp hạng ở mức độ này vì vẫn cần tài xế luôn sẵn sàng can thiệp trên suốt hành trình, có nghĩa thuộc cấp độ 2 dù khả năng có thể làm hơn thế.
Markus Schafer - giám đốc công nghệ của Mercedes - từng nói rằng cấp độ 4 có thể xuất hiện từ 2030, nhưng CEO của Tesla, Elon Musk, cho rằng Tesla có thể có công nghệ này vào cuối 2023.
Cấp độ 5
Chiếc xe lúc này là một tài xế thực thụ, ở mọi lúc, mọi nơi. Trên xe không có vô-lăng, không bàn đạp, không cần sự can thiệp của con người. Ai đó lên xe có thể ngồi ngả lưng thư giãn, tận hưởng chuyến đi trong khi chiếc xe tự xử lý mọi thứ. Lúc này, không còn ai quan tâm đến việc có uống rượu trước khi lên xe hay không, hay có cần mang theo bằng lái hay không.
Tuy nhiên, xe tự lái cấp độ 5 sẽ không xuất hiện trên các con đường trong tương lai gần. Các chuyên gia trong ngành nói rằng ít nhất phải đến 2035 thì công nghệ này mới có thể được sản xuất.
Mỹ Anh